SỰ KHÁC BIỆT GIỮA TIẾNG TRUNG PHỒN THỂ VÀ TIẾNG TRUNG GIẢN THỂ

0
328

Khi bắt đầu làm quen với Tiếng Trung, chúng ta sẽ biết có kiểu chữ viết khác nhau là Tiếng Trung Phồn thể và Tiếng Trung Giản thể. Rất nhiều bạn có thể băn khoăn nên học theo loại chữ viết nào?

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng xem qua lịch sử hình thành của hai loại chữ viết trên cũng như điểm khác nhau giữa chúng. Hi vọng bạn sẽ tìm thấy câu trả lời phù hợp cho riêng mình. Hãy cùng Vinahure tìm hiểu nhé!

 

  1. Lịch sử hình thành

Chữ Hán đã có hơn 5.000 năm lịch sử. Các chữ Hán đầu tiên được phát minh là chữ tượng hình.

Sau đó chữ Hán dần trải qua các thời kỳ có thể khái quát như sau:

Giáp cốt văn → Kim văn → Triện thư → Lệ thư → Thảo thư → Khải thư → Hành thư

Chữ Hán phồn thể (繁體漢字/正體漢字) hay chữ Hán chính thể là một trong hai bộ chữ in tiêu chuẩn của tiếng Trung. Dạng chữ này đã xuất hiện lần đầu cùng với các văn bản ghi chép thời nhà Hán và ổn định từ thế kỷ 5 trong thời Nam Bắc triều. Chữ Hán Phồn thể đã có lịch sử hơn 3.000 năm và chữ viết tiêu chuẩn của người Trung khắp nơi trên thế giới cho đến năm 1956.

Hiện nay, chữ Phồn thể vẫn được dùng nhiều ở Đài Loan, Hồng Kông và Ma Cao.

Chữ Hán giản thể(简体字) cũng như tên gọi của nó là đơn giản hóa. So với chữ phồn thể thì chữ giản thể đã lược đi nhiều nét phức tạp để chữ viết đơn giản dễ học hơn. Năm 1955 chữ phồn bắt đầu được giản ước dựa theo “Phương án giản hoá chữ Hán” của Chính phủ Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.

Ngoài Trung Quốc đại lục, chữ Giản được người Hoa ở các nước Đông Nam Á như Singapore và Malaysia chấp nhận.

Điểm khác nhau chủ yếu của Tiếng Trung Giản thể và Tiếng Trung Phồn thể là: Mặt chữ

Chữ Phồn thể và Giản thể tất nhiên sẽ có sự khác biệt rõ rệt trong cách viết. Chữ Phồn thể phức tạp hơn và có nhiều nét hơn. Tuy nhiên, vẫn có một số chữ hoàn toàn giống nhau ở cả Phồn thể và Giản thể.

Ví dụ:

Tôi: 我  (Chữ Phồn thể); 我 (Chữ Giản thể)

Không: 不 (Chữ Phồn thể); 不 (Chữ Giản thể)

Theo, đuổi: 追 (Chữ Phồn thể); 追 (Chữ Giản thể)

To lớn: 大 (Chữ Phồn thể); 大 (Chữ Giản thể)

Đi: 走 (Chữ Phồn thể); 走 (Chữ Giản thể)

Vào đầu thế kỷ trước, Trung Quốc đã tiến hành “cách mạng hoá” chữ viết nhằm chống nạn mù chữ. Năm 1964, Trung Quốc công bố bảng “Danh sách chung về Chữ Hán Giản thể”. Bộ chữ Hán Phồn thể có trung bình 16-19 nét mỗi ký tự được thay thế, giản lược thành chữ Giản thể với trung bình 8-11 nét một ký tự.

Tuy nhiên, tiếng Trung Phồn thể vẫn không biến mất sau khi chữ Giản thể ra đời. Chữ Phồn thể vẫn được sử dụng ở nhiều nơi và đa dạng các lĩnh vực cho đến tận ngày nay.

  1. Ưu nhược điểm của chữ Phồn Thể và Giản Thể

Kể từ khi tiến hành cải cách chữ Hán, đã có rất nhiều ý kiến chủ trương khôi phục chữ Hán Phồn thể. Lý do quan trọng nhất là Chữ Hán Phồn thể hiện văn hoá Trung Hoa một cách sâu sắc hơn. Ngược lại, cũng không ít người ủng hộ chữ Giản thể bởi tính đơn giản và dễ đọc của chúng.

Trên thực tế, cả 2 loại chữ này đều có Ưu và Nhược điểm riêng. Xét về ý nghĩa văn hoá và nghệ thuật, chữ Phồn thể giúp ta cảm nhận tinh thần và cái hay của văn hoá Trung Quốc rõ nét hơn. Tuy nhiên, tiếng Trung Giản thể lại dễ học hơn và thực tế đã cho thấy vai trò quan trọng của chúng trong lịch sử cải cách Giáo dục. Một bên mang tính nghệ thuật hơn và một bên có tính ứng dụng cao hơn.

2.1 Ưu nhược điểm của chữ Phồn Thể

  • Ưu điểm:

Được phát triển trên Hán tự cổ nên chữ Hán Phồn thể giúp ta dễ hiểu nghĩa gốc của từ hơn.

Ví dụ:

Rồng: 龍 (Chữ Phồn thể); 龙(Chữ Giản thể)

Phượng Hoàng: 鳳 (Chữ Phồn thể); 凤 (Chữ Giản thể)

Yêu: 愛 (Chữ Phồn thể); 爱 (Chữ Giản thể)

Phụ (Nữ): 婦 (Chữ Phồn thể); 妇 (Chữ Giản thể)

Bay: 飛 (Chữ Phồn thể); 飞 (Chữ Giản thể)

  • Nhược điểm:

Chữ Phồn thể nhiều hơn và nhiều nét hơn, khiến việc học chữ trở nên phức tạp và khó nhớ hơn. Trên máy tính khi chọn hệ chữ Phồn thể sẽ có tổng cộng 13,053 ký tự.

Ví dụ:

Mở: 開 (Chữ Phồn thể); 开(Chữ Giản thể)

Cửa: 門 (Chữ Phồn thể); 门(Chữ Giản thể

2.2 Ưu nhược điểm của chữ Giản Thể

  • Ưu điểm:

Số lượng chữ Hán và số nét ít hơn Phồn thể, giúp giảm bớt độ khó khi học chữ Hán cũng như tăng tốc độ viết. Trên máy tính khi chọn hệ chữ Giản thể sẽ có tổng cộng 6,763 ký tự.

  • Nhược điểm:

Một chữ Hán Giản thể có thể tương ứng với nhiều chữ Phồn thể, dẫn đến hiện tượng một chữ có nhiều cách đọc. Trong Phồn thể, mỗi chữ tương ứng một cách viết hoàn toàn riêng biệt.

Một số ví dụ sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn:

Bề mặt: 表面 (Chữ Phồn thể); 表面(Chữ Giản thể)

Mì: 麵條 (Chữ Phồn thể); 面条(Chữ Giản thể)

Phía sau: 後 (Chữ Phồn thể); 后(Chữ Giản thể)

Hậu (hoàng hậu): 后 (Chữ Phồn thể); 后(Chữ Giản thể)

Ngoại hình: 外表 (Chữ Phồn thể); 外表(Chữ Giản thể)

Đồng hồ: 手錶 (Chữ Phồn thể); 手表(Chữ Giản thể)

Gia đình: 家庭 (Chữ Phồn thể); 家庭(Chữ Giản thể)

Đồ nội thất: 傢具 (Chữ Phồn thể); 家具(Chữ Giản thể)

  1. Nơi nào sử dụng Phồn Thể và Giản Thể

Chữ Hán Giản thể được sử dụng chủ yếu ở Trung Quốc đại lục, Singapore và Malaysia. Trong khi, chữ Phồn thể được sử dụng ở HongKong, Macao, Đài Loan và trong một số cộng đồng Hoa Kiều ở nơi khác.

 

 

 

 

 

PHẢN HỒI CỦA BẠN

Bạn chưa viết bình luận!
Bạn vui lòng điền đầy đủ họ và tên

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.