Những tòa nhà cổ trong khuôn viên Đại học Chân Lý

0
805

Đại học Chân Lý (Aletheia University) là trường đại học phương Tây đầu tiên trong lịch sử giáo dục của Đài Loan được thành lập bởi Mục sư, Tiến sĩ người Canada George Leslie Mackay. Xây dựng từ năm 1882, Đại học Chân Lý là một trong những ngôi trường đại học lâu đời nhất Đài Loan cũng là một điểm thu hút khách du lịch với những tòa nhà cổ kính mang đậm kiến trúc Châu Âu. Sau đây Vinahure sẽ dẫn các bạn tham quan những tòa nhà cổ trong khuôn viên Đại học Chân Lý.

Oxford College 

Một trong những tòa nhà cổ nhất trong khuôn viên Đại học Chân Lý là Oxford College, được xây dựng từ những ngày đầu ngôi trường này được dựng lên. Oxford College cũng là cái tên đầu tiên của Đại học Chân Lý nhằm tưởng nhớ các nhà hảo tâm đến từ Oxford, Ontario, Canada trong việc xây dựng trường.

Vật liệu xây dựng của tòa nhà Oxford College như gạch và gỗ linh sam đều là đưa từ Hạ Môn, Phúc Kiến về. Các bức tường được làm từ hỗn hợp của gạo nếp, vôi và nước đường. Kể rằng người cùng với Mackay xếp những lớp gạch này để xây dựng lên Oxford College là một người thợ có tiếng ở Đạm Thủy được gọi là ông Hồng.

Trước kia Oxford College là cái nôi của Chủng viện Đài Loan, trường Trung học Đạm Thủy và Cao Đẳng Đại học Chân Lý trong hơn 100 năm. Trải qua nhiều năm, công trình được dùng làm lớp học, ký túc xá, thư viện và nhà thờ nhỏ.

Hiện nay Oxford College là một bảo tàng và đã trải qua nhiều lần cải tạo, tuy nhiên cấu trúc ban đầu của tòa nhà vẫn được lưu giữ. Oxford College đã được Bộ Nội vụ Đài Loan công nhận là Di sản quốc gia hạng 2.

The House of Reverends 

Được xây dựng vào năm 1906, The House of Reverends (hay còn gọi là Bok-Su Lao) ban đầu được xây dựng làm nơi ở của Mục sư William Gauld. Sau khi ông qua đời vào năm 1923, ngôi nhà đã trở thành nơi ở của Mục sư Hugh MacMilan, người làm việc tại Trường Thần học Đài Bắc và sau đó là Mục sư James I.Dickson ở trường Trung học Đạm Giang. Do đây là ngôi nhà của những vị mục sư, nó được người ta gọi là Bok-Su Lao (nhà Mục Sư).

Trong Chiến tranh thế giới thứ 2, ngôi nhà trở thành ký túc xá nam của trường Trung học Đạm Giang, sau đó được đổi tên thành Chhin Liong Liau (Hall of Azure Dragon). Sau chiến tranh, ngôi nhà trở thành nơi ở của Mục sư George Malcolm. Có thời điểm ngôi nhà được dùng làm studio của trường Trung học nữ sinh Chun-Teh. Người cuối cùng sống tại đây là Elder John Geddes, ông rời đi vào năm 1965. Sau đó, tòa nhà trở thành tòa hành chính của Tamsui Oxford College (nay chính là Đại học Chân Lý). Một phần của tòa nhà được chuyển đổi thành nhà ăn cho giảng viên và tòa nhà được đặt biệt hiệu là “Nhà đỏ” (The Red House) theo màu gạch đỏ đặc trưng.

The House of Maidens 

The House of Maidens (hay Go-Niu Lao) cũng là một tòa nhà mang màu gạch đỏ, được thiết kế và xây dựng bởi Reverend William Gauld vào năm 1906 để làm nơi ở cho những nhà truyền giáo như Go-Niu Jane Kinney – hiệu trưởng Trường nữ sinh Đạm Thủy và Go-Niu Hannah Connell (Go-Niu là một từ tôn kính người Đài Loan dùng để gọi những giáo sĩ nữ độc thân của các nhà thờ Trưởng lão của Đài Loan). Những Go-Niu khác từng sống trong tòa nhà này bao gồm Mabel B.Clazie, Lily Adair, Dorothy Douglas, và Isabel Taylor.

Trong chiến tranh thế giới thứ 2, ngôi nhà được dùng làm ký túc xá nam của trường Trung học Đạm Giang, và được đổi tên thành Chu-Chhio Liau (Hall of Rosefinch). Dorothy Douglas và Isabel Taylor muốn sống ở đây sau chiến tranh và Geraldine Greer và Margaret MacKenzie cũng vậy. Taylor rời đến nơi ở mới tại trường Trung học Đạm Giang vào năm 1965, cùng năm Tamsui Oxford College (ngày nay là Đại học Chân Lý) được thành lập. Kể từ đó, The House of Maidens được dùng làm văn phòng của Hiệu trưởng và được bảo trì khá tốt.

Reverend Mackay’s Residence 

Ngôi nhà cổ nằm trên một ngọn đồi xanh của Bo-Dieng, nhìn ra phong cảnh tuyệt đẹp của Đạm Thủy. Ngôi nhà gỗ này từng là nơi ở của Mục sư George Leslie Mackay. Được thiết kế và xây dựng vào năm 1875 bởi chính Mackay, ngôi nhà có hành lang 3 mặt. Ông còn thiết kế thêm một “tòa nhà nghiên cứu” ở phía sau nhà để đọc và nghiên cứu.

Mackay cũng đã kết hôn và có con ở đây, và nơi ở trước đây của Mackay thậm chí còn trở thành cơ sở quan trọng cho công việc truyền giáo của ông cho đến khi qua đời vào năm 1901. Sau khi Mackay qua đời, nhà Mackay trở thành nơi ở tạm thời của Mục sư Thurlow Fraser và Mục sư J. Y. Ferguson cùng những người truyền giáo khác một thời gian ngắn. Năm 1912, con trai duy nhất của Tiến sĩ Mackay, Mục sư George William Mackay, trở về Đài Loan để thành lập trường Trung học Đạm Giang, một lần nữa sử dụng nơi ở cũ của mình làm nơi ở của hiệu trưởng, mãi đến năm 1941, ông mới trở về Canada do chiến tranh.

Sau chiến tranh, ông trở lại Đạm Thủy một lần nữa và sống ở đây cho đến năm 1952. Sau khi được thành lập vào năm 1965, Đại học Chân Lý đã chuyển đổi ngôi nhà thành thư viện,  khách sạn thực tập và cuối cùng là nhà khách cho trường. Gia đình Mackay cũng ở lại đây mỗi khi họ trở về Đài Loan thăm Đạm Thủy.

Missionary House 

Ngôi nhà kiểu phương Tây màu trắng này được xây dựng bởi Mục sư George Leslie Mackay vào năm 1875 để làm nơi ở truyền giáo thứ hai cho các mục sư phụ tá đến thăm của ông. Mục sư J. B. Fraser là người đầu tiên ở đây. Những nhà truyền giáo khác từng ở lại  nơi này bao gồm K. F. Junor, John Jamieson, William Gauld, James I. Dickson và J. D. Wilkie.

Missionary House cũng từng là trường học từ thiện dành cho phụ nữ sau khi những người truyền giáo chuyển đi và được dùng làm ký túc xá nam của Trường Trung học Đạm Giang trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ 2. Sau chiến tranh, ngôi nhà được British Tait & Co. (nay là Tait Marketing & Distribution Co., Ltd) thuê. Tầng thứ hai được xây thêm ở phía trước của tòa nhà để có tầm nhìn đẹp hơn ra sông và núi liền kề và giống như tòa nhà hiện nay. Năm 1971, tòa nhà trở thành nơi ở của Hiệu trưởng trường Tamsui Oxford College. Năm 2009, Đại học Chân Lý đã trùng tu lại tòa nhà để tưởng nhớ những người truyền giáo đã cống hiến cả cuộc đời của họ để phục vụ đất nước và người dân Đài Loan.

PHẢN HỒI CỦA BẠN

Bạn chưa viết bình luận!
Bạn vui lòng điền đầy đủ họ và tên

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.